Tư vấn thủ tục xin nghỉ việc và tính các khoản trợ cấp khi nghỉ việc cũng như chế độ lương hưu theo luật ?

Ngày tạo 20-10-2017
Thưa luật sư, Tôi là giáo viên trung học cơ sở, sinh ngày 28/8/1961, vào ngành ngày 01/8/1986, dạy lớp liên tục cho đến nay. Bây giờ tôi muốn xin nghỉ việc để chăm sóc mẹ (do cụ bị gãy xương ở 2 ngón chân).
• Xác định mức trợ cấp thôi việc? / Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc ? / Tư vấn về việc trợ cấp khi nghỉ việc tại cơ quan nhà nước ?
Tôi xin hỏi luật sư:
1. Tôi có được hưởng các khoản trợ cấp nghỉ việc không? Số tiền là bao nhiêu?
2. Tôi có được hưởng lương hưu khi đến tuổi hưu không?
3. Tôi phải làm thủ tục xin nghỉ việc như thế nào để được hai điều trên”.
Cảm ơn luật sư đã tư vấn!

Luật sư tư vấn:
Thưa quý khách hàng ! Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Lao động năm 2012;
– Luật Viên chức năm 2010;
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014);
– Luật Việc làm năm 2013.
2. Giải quyết vấn đề:
2.1 Các khoản trợ cấp khi nghỉ việc.
Theo thông tin khách hàng cung cấp, khách hàng là giáo viên trung học cơ sở, vào ngành từ năm 1986. Như vậy, khách hàng đang là viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, quyền lợi của khách hàng theo Luật Viên chức năm 2010 được xác định như sau:
Điều 45 Luật Viên chức năm 2010 quy định về chế độ thôi việc của viên chức như sau:
“Điều 45. Chế độ thôi việc
1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này”.
Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo điểm b khoản 2 điều luật nêu trên cụ thể:
“Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc…
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.”
Trường hợp khách hàng “muốn xin nghỉ việc để chăm sóc mẹ” và được hưởng các chế độ trợ cấp khi nghỉ việc, nghĩa là khách hàng muốn thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3, Điều 36 BLLĐ thì khách hàng cần chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật theo điều 36 BLLĐ. Điều 36 BLLĐ quy định như sau:
“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”
Căn cứ vào Điều 48 BLLĐ về trợ cấp thôi việc thì khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của BLLĐ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
– Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
– Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động”.
Đối với mức mức hưởng trợ cấp thôi việc của khách hàng được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 48 BLLĐ 2012. Cụ thể quy định về thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Chúng tôi xin phân tích như sau:
– Thời gian làm việc thực tế bao gồm thời gian thử việc, học nghề, tập nghề, được cử đi học, thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật BHXH; nghỉ hàng tuần; nghỉ việc hưởng nguyên lương; nghỉ để hoạt động công đoàn; thời gian ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
– Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp: theo quy định của Luật BHXH thì từ ngày 01/01/2009 bảo hiểm thất nghiệp là bắt buộc đối với người lao động, nên trong thời gian làm việc của khách hàng có khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2015 là khoảng thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nên thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc sẽ là tổng thời gian khách hàng làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2015 và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Từ những phân tích trên, chúng tôi xác định thời gian làm việc để tính hưởng trợ cấp thôi việc của khách hàng là từ năm 1986 đến năm 2009 (tương đương 23 năm).
Căn cứ khoản 1 Điều 48 BLLĐ thì mỗi năm làm việc khách hàng được hưởng một nửa tháng tiền lương. Do khách hàng không cung cấp thông tin về mức lương cụ thể nên chúng tôi không xác định được cụ thể mức trợ cấp thôi việc mà khách hàng được hưởng.
Về vấn đề trợ cấp thất nghiệp
Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết”.
Như vậy, điều kiện để khách hàng được hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Một là: Chấm dứt hợp đồng lao động phù hợp với quy định của pháp luật, không trong thời gian hưởng lương hưu, trợ cấp;
Hai là: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trường hợp của khách hàng đã tham gia bảo hiểm xã hội được 29 năm tương ứng với 29 năm làm việc theo hợp đồng làm việc;
Ba là: Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
Bốn là: Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
+ Về cách tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định “thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng”.
Khách hàng có khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2015 tham gia bảo hiểm thất nghiệp (bắt buộc) thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của khách hàng là: 06 tháng.
+ Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của khách hàng:
Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm quy định:
“Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của BLLĐ đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.
Do khách hàng không nói rõ mức lương khách hàng đang hưởng nên chúng tôi không xác định được cụ thể mức trợ cấp thất nghiệp mà khách hàng được hưởng.
2.2. Vấn đề hưởng lương hưu khi đến tuổi.
Khoản 1 Điều 50 Luật BHXH 2006 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:
“Điều 50. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;
b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định”.
Khách hàng là viên chức theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật BHXH về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Xét trường hợp của khách hàng có thời gian 29 năm tham gia BHXH tương ứng với 29 năm làm việc tại trường trung học cơ sở. Nhưng đến năm 2015, cụ thể là ngày 01/8/2015 khách hàng mới đủ 54 tuổi. Tính đến thời điểm xin nghỉ, khách hàng không đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nên chưa thể hưởng chế độ hưu trí.
Ngoài ra, pháp luật còn có quy định như sau: Điều 54 Luật BHXH 2006 thể hiện “Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần” và “Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, khách hàng đang có 29 năm tham gia BHXH thì tính từ năm thứ 26 khách hàng được hưởng trợ cấp một lần theo số năm đóng BHXH.
2.3. Thủ tục xin nghỉ việc để được hưởng các chế độ trên.
Thứ nhất: Để được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, khách hàng phải chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10 Điều 36 BLLĐ 2012.
Trong trường hợp này cần thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc. Cụ thể khách hàng cần làm đơn xin thôi việc gửi lãnh đạo nhà trường và thông báo cho nhà trường biết trước ít nhất 45 ngày.
Thứ hai: Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ ba: Để được hưởng chế độ hưu trí thì khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH và điều kiện về tuổi lao động.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề “hưởng trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng làm việc”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về lao động và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực lao động hãy gọi ngay:1900 6162 (nhấn máy lẻ phím 5) Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call now